Cách sửa chữa đường bê tông nhựa asphalt
Hoàn thiện nhanh, dễ sửa chữa, thiết bị trải thảm đơn giản là lợi thế của bê tông nhựa Asphalt, một lựa chọn phổ biến cho đường cao tốc, nội thị, bãi đỗ xe và đường bộ.
Tuy nhiên sau quá trình khai thác, thời tiết, lão hóa, thiếu bảo trì, lưu lượng tham gia giao thông cao, quá tải trọng thiết kế hoặc chuẩn bị mặt bằng kém khi thi công đều có thể dẫn đến các vấn đề xuống cấp, hư hỏng
Sửa chữa mặt đường bê tông nhựa asphalt hư hỏng
Mặt đường bê tông nhựa là loại kết cấu áo đường có một hoặc một số lớp mặt trên làm bằng hỗn hợp bê tông nhựa nóng. Hỗn hợp bê tông nhựa nóng có thể có cỡ hạt danh định khác nhau, độ rỗng dư khác nhau và sử dụng các loại nhựa đường khác nhau (bao gồm cả nhựa đường po-li-me và nhựa đường có thêm các phụ gia cải thiện khác nhau).
Để thực hiện công việc nhanh chóng phải chọn giải pháp, công nghệ sửa chữa phù hợp loại hình, mức độ, quy mô phạm vi hư hỏng phát sinh trên mặt đường.
Có những giải pháp sửa chữa chỉ áp dụng trong bảo dưỡng thường xuyên đơn lẻ hư hỏng như trám, vá vết nứt. Nhưng lại không áp dụng hiệu quả cho quy mô sửa chữa vừa khi diện tích vùng phát sinh nứt lan rộng.
Thông thường khi sửa chữa vừa, sửa chữa lớn đều cần áp dụng các giải pháp sửa chữa tổng hợp, sửa chữa đồng thời các loại hư hỏng. Chúng ta cùng xem xét một số hư hỏng phổ biến đối với mặt đường nhựa bê tông asphalt, nguyên nhân và cách xử lý khắc phục
Loại hình mức độ hư hỏng
Cách phân biệt 16 loại hình mức độ hư hỏng bê tông nhưa asphalt với 3 mức độ nhẹ, vừa và nặng, phân thành 4 nhóm: nứt, hư hỏng bề mặt, hư hỏng lớp mặt và biến dạng lớp mặt.
Hình ảnh từ trái qua phải theo mức độ tăng dần, trong đó loại 8 “lồi lõm” có thể kết hợp để đánh giá hiện tượng “lún đầu cầu”.
1.Nứt rạn mai rùa
- Các vết nứt dăm nhỏ dọc theo chiều xe chạy, có hiện tượng kết nối với nhau, Mặt đường chưa bị bong vỡ.
- Các vết nứt đã kết nối thành mạng lưới nhỏ tại vệt bánh xe, bắt đầu có hiện tượng bong vỡ nhẹ.
- Vết nứt kết nối lan rộng gần hết mặt đường, đến gần lề đường. Mặt đường bong vỡ khi có tải trọng xe chạy qua.
2.Nứt lưới lớn
- Nứt hình khối, chiều rộng vết nứt <13 mm.
- Nứt hình khối với chiều rộng vết nứt từ 13 mm đến 19 mm
- Nứt hình khối với chiều rộng vết nứt >19 mm
3.Nứt đơn dọc và ngang
- Vết nứt < 10 mm chưa được trám vá hay vết nứt bất kỳ đã trám vá.
- Vết nứt chưa hay đã được trám vá nhưng xung quanh có xuất hiện các vết nứt thứ cấp rải rác. Tổng chiều rộng vết nứt (bao gồm cả nứt thứ cấp) đến 75 mm.
- Vết nứt chưa hay đã được trám vá nhưng hiện tượng nứt thứ cấp xảy ra nghiêm trọng. Tổng chiều rộng vết nứt (bao gồm cả nứt thứ cấp) đến 100 mm
4.Nứt phản ánh
- Vết nứt đơn có chiều rộng <10 mm chưa được trám vá hoặc vết nứt bất kỳ đã được trám vá.
- Vết nứt có chiều rộng > 10 mm, bắt đầu có hiện tượng nứt thứ cấp xung quanh. Chiều rộng cả nứt chính và nứt thứ cấp đến 75 mm.
- Vết nứt có chiều rộng lớn và nứt thứ cấp nghiêm trọng, chiều rộng cả vết nứt chính và nứt thứ cấp > 100 mm.
5.Nứt hình parabol
- Chiều rộng vệt nứt trung bình < 10 mm.
- Chiều rộng vệt nứt từ 10 mm đến 40 mm, hoặc xung quanh vết nứt có hiện tượng bong bật hoặc có nứt thứ cấp.
- Chiều rộng vệt nứt > 40 mm hoặc khu vực nứt đã bị bong vỡ.
6.Lún vệt bánh xe
- Chiều sâu vệt lún từ 6 mm đến 13 mm
- Chiều sâu vệt lún từ 13 mm đến 25 mm
- Chiều sâu vệt lún > 25 mm.
7.Lún lõm cục bộ
- Chiều sâu vết lún cục bộ từ 13 mm đến 25 mm.
- Chiều sâu vết lún cục bộ từ 25 mm đến 50 mm.
- Chiều sâu vết lún cục bộ lớn hơn 50 mm.
8.Lồi lõm
- Hiện tượng lồi lõm ảnh hưởng đến chất lượng chạy xe trên đường.
- Hiện tượng lồi lõm ảnh hưởng đến chất lượng chạy xe.
- Hiện tượng lồi lõm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chạy xe.
9.Đẩy trồi nhựa, dồn nhựa
- Mặt đường nhựa bị đẩy trồi, dồn nhựa, nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng chạy xe.
- Mặt đường bị đẩy trồi dồn nhựa, ảnh hưởng đến chất lượng chạy xe.
- Mặt đường bị đẩy trồi, nhựa dồn cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chạy xe.
10.Lượn sóng
- Lượn sóng ảnh hưởng ít đến chất lượng chạy xe.
- Lượn sóng ảnh hưởng đến chất lượng chạy xe.
- Lượn sóng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chạy xe.
11.Ổ gà
Mức độ hư hỏng đối với ổ gà được đánh giá phụ thuộc vào chiều sâu và độ rộng như sau:
Chiều sâu lớn | Đường kính trung bình của ổ gà (mm) | ||
100 – 200 | 200 – 450 | 450 – 750 | |
13 mm – 25 mm | (L) | (L) | (M) |
25 mm – 50 mm | (L) | (M) | (H) |
> 50 mm | (M) | (M) | (H) |
12.Vệt cắt vá
- Vệt vá vẫn duy trì ở tình trạng tốt, chất lượng chạy xe từ mức tốt đến trung bình.
- Vệt vá đã hư hỏng, chất lượng chạy xe bị ảnh hưởng.
- Vệt vá hư hỏng nghiêm trọng, cần được thay thế.
13.Chảy nhựa mặt đường
- Hiện tượng chảy nhựa chỉ quan sát được vào mấy ngày nắng nóng, màng nhựa chưa liên tục, vẫn quan sát được mặt đá.
- Hiện tượng chảy nhựa có thể quan sát thấy trong một vài tuần vào mùa nóng, màng nhựa liên tục trên mặt đường
- Hiện tượng chảy nhựa có thể quan sát thấy trong nhiều tuần vào mùa nóng, màng nhựa liên tục trên mặt đường.
14.Bong bật và bong tróc mặt đường
- Cốt liệu hay nhựa đường bắt đầu bị bong bật khỏi bề mặt đường. Bề mặt đường còn cứng, các vết bong lớn nhất có kích cỡ bằng đồng xu.
- Cốt liệu hay các mảng nhựa bong tróc khỏi bề mặt đường tạo bề mặt ghồ ghề. Các vệt bong kích cỡ lớn hơn đồng xu.
- Bong tróc từng mảng có đường kính đến 100 mm và chiều sâu nhỏ hơn 13 mm (chưa phải là ổ gà).
15.Nứt vỡ mép mặt đường
- Vết nứt nhẹ hoặc vừa, chưa bị vỡ và bong bật
- Vết nứt vừa, một số chỗ đã bị vỡ và bong bật
- Mép mặt đường bị vỡ và bong bật nghiêm trọng
16.Chênh cao mặt đường và lề đường
- Độ chênh cao giữa mặt đường và lề đường từ 25 mm đến 50 mm
- Độ chênh cao giữa mặt đường và lề đường từ 50 mm đến 100 mm
- Độ chênh cao giữa mặt đường và lề đường từ > 100 mm
Phương pháp sửa chữa đường bê tông nhựa
Bảo trì mặt đường bê tông nhựa bao gồm bảo dưỡng thường xuyên – các sửa chữa nhỏ, sửa chữa định kỳ -sửa chữa vừa, sửa chữa lớn, sửa chữa đột xuất.
Các công việc bảo dưỡng và sửa chữa này đều nhằm phòng ngừa, hạn chế các dạng hư hỏng do phương tiện cũng như do tác động môi trường gây ra ; khắc phục kịp thời các chỗ bị hư hỏng trên mặt đường
Sửa chữa vết nứt
Như trên ta thấy có 5 loại nứt gồm: nứt rạn mai rùa, nứt lưới lớn, nứt đơn dọc và ngang, nứt phản ánh và nứt pa-ra-bol. Mỗi loại nứt bê tông nhựa asphalt lại phân thành 3 mức: nhẹ, vừa và nặng.
Trước hết tùy thuộc vào cường độ kết cấu nền mặt đường cũng như mức độ đính bám giữa lớp mặt bê tông nhựa ở trên với lớp dưới nó, tiếp đó cũng tùy thuộc quy mô phạm vi mặt đường bị nứt.
- Nếu kết cấu nền mặt đường vẫn còn đủ đáp ứng yêu cầu giao thông thì có thể sửa chữa các dạng nứt bằng cách trám, vá vết nứt trong công tác bảo dưỡng thường xuyên.
- Nếu phạm vi mặt đường bị rạn nứt nhỏ, nứt rạn mai rùa nhẹ và vừa do nhựa bị lão hóa lan rộng thì có thể áp dụng giải pháp rải lớp phủ mặt trên cả đoạn đường bị nứt như khi sửa chữa vừa
- Nếu nứt do kết cấu không đủ cường độ, nền, móng bị cao su, bị bão hòa nước thì cần đào hết phần nền, móng yếu, xử lý lại nền, móng rồi mới làm lại phần mặt đường bê tông nhựa bị nứt.
- Nếu nứt hình, pa-ra-bol do dính bám kém thì phải cắt bỏ phần mặt đường bê tông nhựa bị nứt, làm lại lớp dính bám rồi mới làm lại phần mặt đường bê tông nhựa bị nứt như vá ổ gà trong bảo dưỡng thường xuyên.
- Nếu nứt do kết cấu không đủ thì phải áp dụng các giải pháp sửa chữa lớn gia cố lại nền, móng rồi làm lại lớp, tầng mặt bê tông nhựa trên cùng.
Sửa hư hỏng bề mặt bê tông nhựa
Loại hư hỏng này gồm: chảy nhựa mặt đường; đẩy trồi nhựa, dồn nhựa thành vệt dọc hoặc vệt ngang đường; bong tróc và bong bật mặt đường. Các loại hình hư hỏng này được miêu tả và phân thành 3 mức độ nhẹ, vừa và nặng như đã nêu ở trên.
Ngoài hiện tượng mặt đường bị mài mòn là tất yếu, 3 loại hư hỏng bề mặt nói trên đều là do thừa, thiếu nhựa hoặc nhựa phân bố không đều trong lớp bê tông nhựa: Chảy nhựa, đẩy trồi nhựa, dồn nhựa ở các chỗ thừa nhựa và bong tróc, bong bật ở những chỗ thiếu nhựa. Xử lý như sau
- Sử dụng đá mạt để té ra mặt đường. Thời điểm thích hợp nhất để té đá là vào khoảng thời gian từ 11h đến 15h vào những ngày nắng nóng. Đá mạt yêu cầu có kích cỡ 0 ÷ 5 mm với hàm lượng bột đá (hạt có kích cỡ nhỏ hơn 0,075 mm) nhỏ hơn 10%;
- Bố trí người quét vun lượng đá bị bắn ra hai bên mép đường khi xe chạy, dồn thành đống để té trở lại mặt đường tiếp tục trong khoảng 7 ngày sau khi sửa chữa.
Vá ổ gà, vá các vết vỡ mép mặt đường:
Có thể dùng đá dăm thấm nhập nhựa hay đá dăm láng nhựa nóng, hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu (đá đen), hỗn hợp BTNN hoặc hỗn hợp BTN nóng tùy thuộc vào vật liệu mặt đường cũ.
Vá ổ gà, vá các vết vỡ mép mặt đường bằng hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu hoặc BTNN: Tùy thuộc vào loại mặt đường và chiều sâu hư hỏng, vật liệu sử dụng và trình tự thực hiện sửa chữa sẽ khác nhau.
a) Vá ổ gà, vá các vết vỡ mép mặt đường có chiều sâu ≤ 8 cm trên mặt đường BTN sử dụng hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu hoặc BTNN theo trình tự sau:
– Dùng máy cắt bê tông cắt cho vuông thành sắc cạnh và đào sâu tới đáy chỗ hư hỏng;
– Lấy hết vật liệu rời rạc trong khu vực vừa cắt, quét, chải sạch bụi đảm bảo chỗ vá sạch, khô;
– Tưới nhựa dính bám (lượng nhựa từ 0,5÷0,8 kg/m2) lên chỗ vá sửa, lưu ý tưới cả dưới đáy và xung quanh thành chỗ vá. Trường hợp sử dụng nhựa lỏng hay nhũ tương, chờ nhựa dính bám phân tách xong;
– Rải hỗn hợp BTNN hay hỗn hợp nguội sử dụng nhựa pha dầu, nhũ tương hay một loại hỗn hợp nguội được chấp thuận, san phẳng kín chỗ hỏng. Chiều dày lớp rải phụ thuộc vào chiều sâu hố đào và theo hệ số lèn ép 1,3;
– Đầm lèn phần vật liệu rải bằng thiết bị thích hợp đạt độ chặt quy định.
b) Vá ổ gà, vá các vết vỡ mép mặt đường chiều sâu ≤ 8 Cm trên mặt đường đá dăm láng nhựa hoặc thấm nhập nhựa sử dụng hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu hoặc BTNN, trình tự thực hiện như sau:
– Dùng cuốc chim, xà beng sửa cho vuông thành sắc cạnh và đào sâu tới đáy vị trí hư hỏng;
– Lấy hết vật liệu rời rạc trong khu vực vừa cuốc, vệ sinh đảm bảo hố đào sạch và khô;
– Rải hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu hoặc BTNN và san phẳng, chiều dày san rải phụ thuộc vào chiều sâu hố đào và theo hệ số lèn ép 1,3;
– Rắc đá mạt có kích cỡ 2÷5 mm hoặc cát sạn, cát vàng phủ đều kín lớp hỗn hợp đá nhựa để chống dính, lượng đá 4÷5 lít/m2;
– Đầm nén hỗn hợp rải bằng thiết bị thích hợp.
c) Vá ổ gà, vá các vết vỡ mép mặt đường với chiều sâu ổ gà, vết vỡ > 8 cm trên mặt đường đá dăm láng nhựa hoặc thấm nhập nhựa, trình tự thực hiện như sau:
– Dùng cuốc chim, xà beng cuốc sửa cho vuông thành sắc cạnh và đào sâu tới đáy vị trí hư hỏng;
– Quét sạch các vật liệu rời rạc và bụi trong phạm vi chỗ hỏng đảm bảo sạch, khô;
– Rải đá 40/60 hoặc đá 20/40, san phẳng và căn cứ hệ số lèn ép 1,3 để khi đầm chặt lớp đá dăm thì mặt lớp đá thấp hơn mặt đường cũ khoảng 3 cm;
– Dùng đầm cóc đầm chặt lớp đá dăm;
– Rải hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu hoặc BTNN và san phẳng, chiều dày san rải phụ thuộc vào chiều sâu còn lại của hố và theo hệ số lèn ép 1,3;
– Rắc đá mạt kích cỡ 2÷5 mm hoặc cát sạn, cát vàng phủ đều kín lớp hỗn hợp đá nhựa để chống dính, lượng đá 4÷5 lít/m2;
– Đầm bằng thiết bị thích hợp để đạt độ chặt.
d) Vá ổ gà, vá vết vỡ mặt đường bằng đá dăm thấm nhập nhựa nóng với trình tự thực hiện như sau:
– Dùng cuốc chim, xà beng đào toàn bộ các vị trí hư hỏng cho vuông thành sắc cạnh, tạo chiều sâu bằng với chiều sâu của ổ gà nhưng không nhỏ hơn 2/3 chiều dày kích cỡ đá định sử dụng;
– Quét sạch các vật liệu rời rạc và bụi trong phạm vi chỗ hỏng đảm bảo sạch, khô;
– Thực hiện trình tự thi công lớp đá dăm thấm nhập nhựa nóng trong phần mặt đường đã đào theo TCVN 8809:2011. Thiết bị đầm được lựa chọn thích hợp với diện tích vá để đảm bảo độ chặt yêu cầu.
Sửa chữa mặt đường nhựa bị rạn chân chim
Được thực hiện bằng phương pháp láng nhựa nóng hoặc láng nhũ tương nhựa đường a xít hoặc vật liệu dính kết được chấp thuận. Trình tự thực hiện theo tiêu chuẩn thi công mặt đường láng nhựa nóng hoặc láng nhũ tương nhựa đường a xít tương ứng.
Sửa chữa các khe nứt đơn trên mặt đường:
Các khe nứt đơn trên mặt đường được sửa chữa sử dụng hỗn hợp BTNN hay theo phương pháp trám nhựa rải cát.
a) Sửa chữa các khe nứt đơn sử dụng hỗn hợp BTNN theo trình tự:
– Đục mở rộng vết nứt tạo thành dạng hình nêm;
– Nạo vét sạch vật liệu rời;
– Tưới nhựa lỏng , nhựa nhũ tương hoặc nhựa đặc đã đun nóng vào khe nứt;
– Trám vết nứt bằng hỗn hợp BTNN hạt nhỏ.
b) Sửa chữa các khe nứt đơn theo phương pháp trám nhựa, rải cát theo trình tự:
– Đục mở rộng vết nứt tạo thành dạng hình nêm;
– Nạo vét sạch vật liệu rời;
– Tưới nhựa nóng vào khe nứt;
– Rắc cát vào khe nứt, thấp hơn mặt đường cũ 3÷5 mm;
– Tưới nhựa lần thứ hai vào khe nứt;
– Rắc cát vào khe nứt cho đầy và phủ rộng ra 2 bên khe nứt khoảng 5÷10 cm.
Xử lý lún lõm cục bộ trên mặt đường:
Các vết lún lõm cục bộ trên mặt đường đá dăm láng nhựa hay thấm nhập nhựa được sửa chữa tùy thuộc vào chiều sâu của vết lún.
a) Trường hợp chiều sâu lún lõm ≤ 8 Cm: Xử lý tương tự như trường hợp vá ổ gà, vá vỡ mép mặt đường bằng hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu hoặc BTNN hoặc vá ổ gà bằng đá dăm thấp nhập nhựa nóng;
b) Trường hợp chiều sâu lún lõm > 8 Cm: Xử lý bằng đá dăm tiêu chuẩn láng nhựa 3 lớp dưới hình thức nhựa nóng, lượng nhựa 4,5 kg/m2. Trình tự thực hiện theo với thiết bị đầm nén được lựa chọn sử dụng thích hợp với diện thi công và đảm bảo độ chặt yêu cầu.
c) Các vết lún lõm cục bộ trên mặt đường bê tông nhựa được sửa chữa bằng hỗn hợp đá trộn nhựa pha dầu hoặc BTNN.
Xử lý lún trồi của lớp mặt bê tông nhựa:
Trường hợp mặt đường bê tông nhựa bị hư hỏng dạng lún, trồi do mất ổn định hỗn hợp: Xử lý tương tự như trường hợp hư hỏng lún lõm cục bộ ở trên, nhưng chiều sâu xử lý chỉ đến hết phần hư hỏng trong lớp mặt bê tông nhựa. Cách xử lý:
– Đào bỏ phần mặt đường bị lún, trồi đến hết chiều sâu lớp mặt hư hỏng;
– Rải và lu lèn hỗn hợp BTN nóng hay BTNN.
Mặt đường nhựa bị bong tróc được xử lý bằng cách láng nhựa hai lớp dưới hình thức nhựa nóng
Mặt đường bị mài mòn có thể được sửa chữa bằng phương pháp láng nhựa 1 lớp hoặc 2 lớp tùy thuộc lưu lượng giao thông trên đường theo tiêu chuẩn thi công mặt đường láng nhựa.
Trường hợp đường có lưu lượng xe dưới 150 xe/ngày đêm, thực hiện láng nhựa nóng 1 lớp.
Trường hợp đường có lưu lượng xe lớn hơn hoặc bằng 150 xe/ngày đêm, thực hiện láng nhựa nóng 2 lớp hoặc láng 2 lớp bằng nhũ tương nhựa đường axít
Mặt đường bị sình lún cục bộ được xử lý theo trình tự như sau:
– Đào bỏ phần mặt, móng và nền đường sình lún đến hết phạm vi hư hỏng;
– Đắp nền bằng vật liệu chọn lọc, đầm chặt đất nền đảm bảo K ³ 0,98;
+ Nếu đoạn nền ở khu vực khô ráo và xử lý vào mùa khô, có thể đắp hoàn trả nền đường bị sình lún bằng loại đất nền đường cũ, đầm nén đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đắp thành từng lớp, chiều dày ≤ 20 cm, đầm đạt độ chặt K ³ 0,98.
+ Nếu đoạn nền nằm trong khu vực ẩm ướt hoặc xử lý vào mùa mưa thì vật liệu đắp trả nền đường nên dùng cát, tốt nhất là cát hạt thô.
Tùy thuộc kết cấu áo đường cũ, lưu lượng và tải trọng xe, điều kiện thủy nhiệt của nền đường để quyết định kết cấu phần thay thế.
– Lớp móng dưới của mặt đường có thể dùng đá thải (với hàm lượng đất dính < 6%) chia thành từng lớp dày ≤ 20 cm đầm chặt;
– Hoàn trả lớp móng trên và lớp mặt đường như kết cấu của mặt đường cũ.
Thi công từng lớp móng và mặt đường theo quy trình tương ứng với mỗi lớp.
Xử lý đẩy trồi nhựa, dồn nhựa thành vệt dọc
Cắt gọt các đoạn bị đẩy trồi để tạo phẳng mặt đường bê tông nhựa
Công việc này có thể thực hiện bằng các thiết bị chuyên dụng cắt gọt nguội (nếu bề rộng đoạn bị đẩy trồi lớn thì nên dùng thiết bị có bề rộng một vệt cắt ≥ 1800 mm để dễ đảm bảo độ bằng phẳng) với chênh lệch cao độ bề mặt cắt gọt giữa 2 vệt liền kề không được quá ± 3,0 mm. Chú ý cắt gọt để tạo được độ dốc ngang của mặt đường theo quy định
Ngoài biện pháp cắt gọi nguội để tạo phẳng, nếu điều kiện thích hợp cũng có thể sử dụng thiết bị là nóng chuyên dùng như khi sửa chữa mặt đường bị lượn sóng
Rải bù lún vệt bánh xe
Sau khi cắt gọt tạo phẳng, tùy theo độ sâu lún vệt bánh xe còn lại (độ sâu lún vệt bánh xe lúc chưa cắt gọt tạo phẳng trừ chiều cao phần đẩy trồi đã bị cắt gọt), việc rải bù lún vệt bánh xe lại được thực hiện như hướng dẫn
Trường hợp độ sâu lún vệt bánh xe còn lại ≤ 25mm thì việc rải lớp phủ mặt phải được thực hiện trên cả phạm vi rải bù lún vệt bánh xe và phạm vi đã cắt gọt tạo phẳng, hoặc có thể rải cả một làn xe bị lún vệt bánh xe hay cả phần xe chạy tùy sự lựa chọn của cấp quản lý có thẩm quyền.
Trường hợp độ sâu lún vệt bánh xe còn lại > 25 mm thì thực hiện theo chỉ dẫn. Sau đó rải ngay lớp phủ mặt trên cả phạm vi rải bù lứa vệt bánh xe và phạm vi đã cắt gọt tạo phẳng, hoặc rải cả một làn xe bị lún hay cả phân xe chạy tùy sự lựa chọn của cấp quản lý có thẩm quyền.
Trường hợp độ sâu lún vệt bánh xe ≥ 100 mm (trồi lên khoảng 50 mm, lõm xuống khoảng 50 mm) thì nên xem xét sử dụng giải pháp cào bóc toàn bộ một (hai) lớp bê tông nhựa trên cùng để làm lại một (hai) lớp bê tông nhựa mới. Trình tự thực hiện theo các chỉ dẫn ở như đối với việc sửa chữa mặt đường bị lượn sóng mức độ vừa và nặng.
Xử lý hư hỏng lớp mặt bê tông nhựa
Loại hư hỏng này gồm: ổ gà, nứt vỡ mép mặt đường phần xe chạy, được miêu tả và phân thành 3 mức nhẹ, vừa và nặng như ở trên trong đó mức độ hư hỏng của ổ gà được đánh giá tùy thuộc đường kính trung bình và chiều sâu ổ gà (có trường hợp ổ gà sâu đến tận lớp móng).
Nguyên nhân ổ gà và nứt vỡ mép mặt đường thường xảy ra do nước xâm nhập qua các dạng hư hỏng bề mặt (bong tróc, bong bật, thiếu nhựa …) và các chỗ bị nứt vào lớp bê tông nhựa và thấm xuống cả các lớp móng, dần dần phá hoại cấu trúc vật liệu của lớp bê tông nhựa và lớp móng.
Ổ gà và nứt vỡ mép mặt đường bê tông nhựa cần được sửa chữa kịp thời, nếu không chúng sẽ nhanh chóng mở rộng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khai thác: ổ gà gây xóc, nứt vỡ mép mặt đường làm thu hẹp phần xe chạy.
Sửa chữa 2 loại hư hỏng này được thực hiện bằng cách sử dụng hỗn hợp Cacboncor Asphalt để sửa
Thi công thử nghiệm bê tông nhựa Carboncor Asphalt CA 12.5 và CA 19
Xử lý biến dạng mặt đường bê tông nhựa
Loại hư hỏng này gồm: lún lõm cục bộ, lồi lõm theo hướng xe chạy (bao gồm cả lún lõm đầu cầu, cống); chênh cao giữa mặt đường và lề đường, lượn sóng; lún vệt bánh xe và chênh lệch cao độ ở chỗ vệt cắt vá cũ. Biểu hiện với 3 mức độ nhẹ, vừa và nặng của 6 loại hình biến dạng mặt đường này được thể hiện ở trên
Các dạng hư hỏng thuộc nhóm này ảnh hưởng rất xấu đến độ bằng phẳng, làm giảm tốc độ khai thác và giảm năng lực thông hành của đường đang khai thác.
Giải pháp sửa chữa
Tổng hợp nội dung sửa chữa các loại hư hỏng mặt đường bê tông nhựa tương ứng với các loại công việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn và sửa chữa đột xuất được trình bày tóm tắt ở Bảng sau:
Bảo dưỡng thường xuyên Sửa chữa vừa Sửa chữa lớn Sửa chữa đột xuất 1. Chống chảy nhựa mặt đường.
2. Vá ổ gà và các chỗ vỡ mép mặt đường.
3. Sửa chữa các vết nứt dọc, nứt ngang và các dạng nứt khác nhưng phạm vi phân bố không lớn.
4. Sửa chữa các chỗ lún lõm cục bộ và lún trồi cục bộ.
5. Sửa chữa chỗ mặt đường bị bong tróc, bong bật và mài mòn cục bộ.
6. Sửa chữa chỗ mặt đường bị sình lún, nứt dạng khối, nứt hình parabol.
7. Sửa chữa các chỗ bị đẩy trồi nhựa, dồn nhựa quy mô nhỏ.1. Làm lớp phủ mặt tạo phẳng, tạo nhám, hạn chế nước thấm qua các chỗ bị nứt, bị hư hỏng bề mặt.
2. Sửa chữa các đoạn mặt đường bị hư hỏng bề mặt và biến dạng mặt đường mức độ nhẹ và vừa.
3. Sửa chữa khắc phục lún vệt bánh xe dạng kết cấu.1. Làm lại toàn bộ một lớp hoặc vài lớp mặt bê tông nhựa (để sửa chữa các đoạn bị nứt và hư hỏng lớp mặt mức độ nặng).
2. Làm lại tầng mặt bê tông nhựa và một phần lớp móng trên.
3. Sửa chữa các chỗ nền, móng bị sình lún, cao su hoặc hư hỏng nặng trước khi làm lại tầng mặt bê tông nhựa1. Sửa chữa lún vệt bánh xe dạng đẩy trồi.
2. Sửa chữa mặt đường bị lượn sóng mức độ nặng.
- Lún lõm cục bộ mặt đường được sửa chữa như vá ổ gà trong bảo dưỡng thường xuyên đường bộ được chỉ dẫn ở như đã trình bày ở trên
- Lồi lõm theo hướng xe chạy và lún đầu cầu, cống được sửa chữa theo chỉ dẫn bù lún và sửa chữa phần xe chạy bao gồm cả mặt đường trong phạm vi dải phân cách giữa
- Lún vệt bánh xe tùy trường hợp được sửa chữa theo chỉ dẫn Thi công sửa chữa mặt đường bê tông nhựa bằng lớp phủ phun nhũ tương (Fog Seal), bằng lớp phủ vữa nhựa (Slurry Seal) và chữa lún vệt bánh xe dạng kết cấu kết hợp rải lớp phủ mặt
- Mặt đường lượn sóng: Giải pháp sửa chữa là cào bóc hết lớp bê tông nhựa bị lượn sóng tối thiểu là 5,0 cm và làm lại lớp bê tông nhựa mới. Sửa chữa mặt đường bê tông nhựa bị lượn sóng nhẹ trên các đoạn ngắn bằng thiết bị là nóng chuyên dùng, bằng cách cắt gọt nguội tạo phẳng
Tổng Kết
Như vậy chúng tôi đã trình bày những loại hình hư hỏng đường bê tông nhựa asphalt, giải pháp sửa chữa cụ thể theo thực tế đối với từng hình dạng hư hỏng.
Các loại lớp phủ mặt được sử dụng để sửa chữa nứt và các hư hỏng bề mặt mặt đường bê tông nhựa đang khai thác khi các dạng đó xuất hiện trên cả một đoạn dài như nứt rạn mai rùa, nứt lưới lớn, bong tróc, thiếu nhựa …khôi phục lại độ bằng phẳng, độ nhám, bịt kín bề mặt, ngăn chặn, hạn chế nước mưa xâm nhập vào mặt đường cũ.
Các loại lớp phủ mặt được sử dụng gồm:
- Nhựa một hoặc hai lớp hoặc láng nhũ tương nhựa đường a xít
- Lớp phủ phun nhũ tương (Fog Seal) là giải pháp sửa chữa nhỏ trong bảo dưỡng thường xuyên.
- Lớp phủ vữa nhựa (Slurry Seal) giải pháp sửa chữa vừa mặt đường bê tông nhựa cũ.
- Lớp phủ vữa nhựa polime (Micro surfacing) sửa chữa lún vệt bánh xe dạng kết cấu.
- Lớp phủ mỏng bê tông nhựa nóng sửa chữa lún vệt bánh xe.
Khi sửa chữa mặt đường bê tông nhựa bằng các lớp phủ này cần tiến hành thử nghiệm và đánh giá theo quy định hiện hành trước khi triển khai áp dụng.
Còn đối với các loại láng nhựa, lớp phủ mỏng bê tông nhựa nóng và lớp phủ vữa nhựa polime (Micro surfacing) thì khi áp dụng phải tuân thủ các tiêu chuẩn hoặc quy định kỹ thuật tương ứng kể cả về điều kiện và phạm vi áp dụng.
Thông tin tham khảo:
https://oct.vn/huong-dan-ky-thuat-sua-chua-duong-be-tong-nhua.pdf
Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ
Các công tác sửa đường bê tông nhựa?
Bảo dưỡng thường xuyên
Là các hoạt động theo dõi, chăm sóc, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, được tiến hành thường xuyên để duy trì công trình đường bộ ở trạng thái khai thác sử dụng bình thường và hạn chế việc các hư hỏng nhỏ phát triển thành các hư hỏng lớn.
Sửa chữa vừa
Là các công việc sửa chữa định kỳ các hư hỏng thường xảy ra (tất yếu xảy ra) do tác động của xe cộ và môi trường đối với một hạng mục, một đoạn hoặc một bộ phận công trình đường trong quá trình khai thác nhằm khôi phục lại tình trạng kỹ thuật ban đầu các hạng mục, một đoạn hoặc bộ phận công trình đó.
Đối với mặt đường bê tông nhựa, nội dung công việc sửa chữa vừa thường là định kỳ làm lại lớp hao mòn, tạo phẳng, tạo nhám một đoạn hoặc cho cả tuyến đường.
Sửa chữa lớn
Cũng là một công việc sửa chữa định kỳ các hư hỏng nặng nhằm khôi phục đầy đủ, toàn diện, các tiêu chuẩn kỹ thuật và công năng ban đầu của công trình đường.
Đối với mặt đường bê tông nhựa, nội dung công việc sửa chữa lớn thông thường là sửa chữa, gia cố các chỗ nền, móng bị hư hại và cày xới, làm lại toàn bộ một vải lớp bê tông nhựa trên một đoạn hoặc trên cả tuyến đường.
Sửa chữa đột xuất
Là công việc sửa chữa phải tiến hành ngay để khắc phục các hư hỏng trên đường do những nguyên nhân bất thường gây ra (thiên tai, biến đổi khí hậu hoặc các nguyên nhân khác) ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khai thác đường.
Bê tông Carboncor Asphalt?
Dùng để sửa chữa, cải tạo trên tất cả các cấp đường, mặt đường cấp cao A2 trở xuống: trám vá, hàn gắn vết nứt, Khe co giãn, Nứt rạn chân chim, Láng sửa mặt (BTXM, BTN) bị bong, rỗ nhẹ
Sử dụng bê tông nhựa Carboncor Asphalt trong xây dựng hạ tầng không kén chọn loại móng, nền, trong quá trình thi công hầu như không thất thoát, độ bền sản phẩm sau khi thi công cao.
-Thân thiện với môi trường
-Rải trên tất cả mặt đường hiện trạng và các loại nền đường ngay cả trực tiếp lên nền đất
-Độ bám dính cao
-Không ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông, khai thác
Nếu quý khách có bất kỳ câu hỏi nào về sản phẩm hay dịch vụ của Công ty Phương Đông, hãy gửi yêu cầu vào e.mail hoặc gọi điện trực tiếp đến số hotline 0946615840 zalo/viber/Fb. Chúng tôi sẽ cố gắng giải đáp mọi thắc mắc trong thời gian sớm nhất có thể ! Mong giúp được công việc của Quý Khách hàng
Số 22 ngõ 43 Nguyễn Phong Sắc, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
094.66.15.840
sales@oct.vn